Thanh Chương sáng mãi hào khí những ngày Xô Viết
Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015
“Cuộc biểu tình dữ dội này chưa từng thấy ở An Nam bao giờ…” Lần đầu tiên trong lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nông đã đập tan chính quyền phong kiến, mở đầu cho sự ra đời Xô viết trong một huyện ở Nghệ Tĩnh”. Trong lịch sử, có những sự kiện tạo ra giá trị tinh thần của cả một thời đại, lưu truyền đến muôn đời sau. Phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh là một trong những sự kiện như vậy.
Trong "Thanh Chương huyện chí", Bùi Dương Lịch đã nhận xét Thanh Chương là "một miền quê non nước hữu tình": Đất giáp ba sông hiểm/Núi hình muôn ngựa phi/ Chương, Hương chia hai ngả/ Lam, Phố hợp ba chi...
Thiên nhiên không hào phóng ban tặng cho Thanh Chương những tài nguyên sẵn có những nhưng dáng sông, thế núi cũng đủ cho con người nuôi nghĩa nặng, chí bền. Những Giăng Màn, Kim Nghê, Đại Can, Tháp Bút, núi Ngọc, dòng Lam đã đi vào lịch sử và thơ, ca, nhạc, họa.
Điều kiện ấy ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành tính cách, lối sống của con người. Người dân ở đây gan góc, thông minh, sống trọng tình nghĩa, nhưng cũng vì thế mà không kém cực đoan, bảo thủ,... Thời nào, Đất và Người Thanh Chương cũng có những đóng góp xứng đáng với quê hương, đất nước. Họ tự hào với lời ngợi khen của các sĩ phu yêu nước Nghệ Tĩnh cuối thế kỷ XIX: “Cả nước mất, Nghệ Tĩnh vẫn còn, Nghệ Tĩnh mất, làng Lương Điền vẫn chiến đấu”.
Khi chưa có Đảng, ở Thanh Chương đã có tổ chức tiền thân của Đảng. Từ buổi bình minh có Đảng, Tỉnh ủy Nghệ An và những cán bộ đầu tiên của Tỉnh ủy đã "ba cùng" với người dân để lãnh đạo phong trào. Tháng 4-1930, Đảng ta phát động phong trào kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5 trong cả nước. Ngày 1-5-1930, hơn 3.000, nông dân các làng Hạnh Lâm, La Mạc, Nhuận Trạch, Đức Nhuận, Cao Điền,... biểu tình tại Hạnh Lâm, đòi ruộng đất mà tên địa chủ Nguyễn Trường Viện (Ký Viễn) đã cướp đoạt; đốt cả dinh cơ của y. Khói lửa ngút trời, Ký Viễn khiếp sợ bỏ trốn. Đồng chí Hà Huy Tập hồi đó đã viết: “Đứng về cả nước mà xét, ngày 1-5-1930 có ý nghĩa rất quan trọng, vì đây là lần đầu tiên vô sản Đông Dương xông pha lửa đạn để biểu dương tình đoàn kết cách mạng quốc tế của mình.”
Xô Viết Nghệ Tĩnh - cao trao cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo năm 1930 - 1931 (Ảnh: tư liệu)
Đặc biệt, ngày 1-9-1930, cả Thanh Chương sục sôi khí thế cách mạng, Đảng bộ đã lãnh đạo cuộc tổng biểu tình của 2 vạn nông dân, với khí thế "như triều dâng, thác đổ". Đó là cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất của Xô-viết Nghệ Tĩnh. Bảo vệ cho đoàn biểu tình là đội ngũ "Xích vệ đỏ", được coi là manh nha cho lực lượng vũ trang sau này. Cái tên Võ Liệt, Thanh Chương trở nên sáng mãi từ cuộc biểu tình này. Tri huyện Phan Sĩ Bàng bỏ chạy. Chính quyền về tay nhân dân. Báo Người lao khổ, số đặc biệt, ra ngày 6-9-1930 viết: “Ở Thanh Chương và Nam Đàn, không ai đi tuần, lính không về canh gác. Đế quốc chủ nghĩa bắt triệt hạ không ai thi hành. Anh em cứ tự do lập hội, tự do biểu tình. Thế là luật lệ đế quốc bị tan tành”… Văn kiện Đảng từng ghi “Cuộc biểu tình dữ dội này chưa từng thấy ở An Nam bao giờ…Lần đầu tiên trong lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nông đã đập tan chính quyền phong kiến, mở đầu cho sự ra đời Xô viết trong một huyện ở Nghệ Tĩnh”...
Trong lịch sử cách mạng thế giới, đã có nhiều hình thức Xô-viết như: Công xã Pa-ri (3-1871), Công xã Quảng Châu (1927), Xô-viết Nga (1905), Xô-viết Ba-vi-e (Đức, 1919)… Công xã Pa-ri tồn tại được 72 ngày.
Hơn cả Công xã Pa-ri đối với cách mạng Pháp, hơn cả công xã Quảng Châu đối với cách mạng Trung Quốc, Xô-viết Nghệ Tĩnh có tầm quan trọng đặc biệt đối với cách mạng Việt Nam. Nó là cuộc tập dượt vĩ đại, tạo đà cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám sau này. Nó đặt ra vấn đề liên minh công nông, vấn đề ruộng đất và dân cày, vai trò lãnh đạo của Đảng, vấn đề đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, vấn đề giành chính quyền và bảo vệ chính quyền…
Chỉ tồn tại trong bảy tháng, Chính quyền Xô viết, dù còn sơ khai nhưng đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một Nhà nước công - nông đầu tiên, chưa có trong tiền lệ lịch sử, đáp ứng với khát vọng Độc lập, Tự do cháy bỏng của người dân nô lệ. Báo Vô sản (Pháp) tháng 10-1931 đã đánh giá: “Cuộc vận động này là một bước lớn trong cuộc phản đế và điền thổ, có ảnh hưởng to lớn trong lịch sử giải phóng Đông Dương”.
Với dã tâm “Hữu Nghệ Tĩnh bất phú, vô Nghệ Tĩnh bất bần", bọn thực dân, phong kiến đã "khủng bố trắng" khốc liệt. Nghệ Tĩnh - Thanh Chương bị dìm trong biển máu. Thanh Chương chiếm hơn một phần ba số tù chính trị của cả tỉnh. Đó là những tháng ngày đau thương bao trùm mảnh đất này. Nhưng chính kẻ địch đã vô tình bồi đắp thêm lòng yêu nước, căm thù giặc cao độ của nhân dân.
Trong các cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại, hàng nghìn thanh niên đã lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Công lao, mất mát, hy sinh là rất lớn. Là huyện có các đối tượng chính sách nhiều nhất của tỉnh; vừa sản xuất, vừa chiến đấu, giữ vững mạch máu giao thông ra tiền tuyến, Thanh Chương còn là một trong những hậu cứ vững chắc, son sắt, thủy chung của cách mạng. Nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhiều cơ quan của Trung ương, của Quân khu, của Tỉnh, nhiều đơn vị quân đội, trường học về đóng trên địa bàn. Người Dân chia ngọt, sẻ bùi, san sẻ cả máu của mình với thương binh, cán bộ, bộ đội. Mặt khác, Dân cũng tiếp thu được những cái hay, cái mới của mọi miền thông qua cán bộ, bộ đội. Huyện và 12 xã trong huyện được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Miền quê hiếu học đã sinh ra nhiều danh tướng, lương thần, nhiều nhà khoa học, nhiều nhà văn hóa, nhiều doanh nhân nổi tiếng. Dù đi đâu, làm gì, họ vẫn hướng về cội nguồn với những tình cảm và sự giúp đỡ đặc biệt. Họ quan niệm: Đường ra đi có trăm phương, ngàn nẻo, đường trở về chỉ có một: Quê hương. Những năm gần đây, mỗi năm có trên 1.200 em vào các trường Đại học, Cao đẳng. Năm nay, huyện nhà phấn khởi, tự hào khi liên tục có 5 lần Thủ khoa các trường Đại học gọi tên Thanh Chương.
Học cho giỏi để ra khỏi vùng "tứ tắc", họ mang theo cái nghèo làm gia tài để nuôi khát vọng thành đạt. Trong những năm gần đây, chỉ tính riêng số tiền con em gửi về qua Ngân hàng và Bưu điện, mỗi năm có 150-200 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp như Nguyễn Minh Hồng, Võ Văn Hồng, Nguyễn Cảnh Sơn, Lê Ngọc Hoa... đã giúp quê nhiều công trình quý giá. Dù gọi "nội lực" hay "ngoại lực" nhưng đó là nguồn lực to lớn, góp phần quan trọng thay đổi nhận thức, đời sống và diện mạo của quê hương.
Bước vào công cuộc đổi mới, Thanh Chương đã và đang đi lên vững chắc. Chưa phải giàu, nhưng đã phá đi cái tứ tắc của giao thông, và đang vượt lên chính mình, phá đi cái tứ tắc của tư duy và hành động.
Cầu Rộ
Ngoài cái “tứ tắc” của địa lý, gay go nhất là tứ tắc của tư duy. Bao nhiêu năm trăn trở với cây gì, con gì, đổi thay bao nhiêu lượt cây và con mà con người vẫn khổ. Bây giờ, sau Đổi mới gần 30 năm, bằng nội lực và sự đầu tư của Nhà nước các cấp, đã tạo tiền đề cho Thanh Chương có cái nhìn xa, rộng, một đường băng để cất cánh.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật của huyện đã được nâng lên đáng kể. Nổi bật nhất vẫn là giao thông. Năm 1996, cả huyện mới có 800 mét đường nhựa thì hôm nay với 53 km đường Hồ Chí Minh, 40 km đường 46, nhiều con đường ngang, đường liên xã, huyện đã có hơn 450 km đường nhựa. Đặc biệt, bằng huy động nội lực, tranh thủ cơ chế hỗ trợ của tỉnh, xây dựng trên 600 km đường xi măng. Một số cầu quan trọng, nhất là cầu Dùng, cầu Rộ, các cầu trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã được xây dựng kiên cố, tạo ra điều kiện quan trọng để phát triển.
Có đủ lương thực là một mục tiêu khao khát từ ngàn đời. Năm 1995, cả huyện phấn đấu đạt cho được 52.000 tấn lương thực quy thóc (kể cả 3 khoai tính 1 lúa). Những năm gần đây, sản lượng lương thực (chỉ tính lúa và ngô) ổn định trên 100.000 tấn. Người dân đã tạo ra những sản phẩm khá lớn và tập trung: Rừng nguyên liệu với hơn 10.000 ha; gần 4.000 ha chè, 2.500 ha sắn công nghiệp; đàn trâu bò gần 90.000 con, đàn lợn hơn 110.000 con; mỗi năm 100 triệu viên gạch nung, 1 triệu mét khối cát sạn,... Các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển. 53% số trường học đạt chuẩn, 36 xã đạt chuẩn quốc gia về Y tế.
Huyện được giao nhiệm vụ tiếp nhận hơn 10.000 bà con các dân tộc thiểu số Tương Dương về tái định cư. Thanh Chương coi họ là bà con ruột thịt, nhẫn nại, kiên trì, chia sẻ những khó khăn của buổi ban đầu. Trên miền quê mới, bà con đã từng bước hòa nhập, ổn định, góp vào sự phong phú, đa dạng của miền quê mới.
Cửa khẩu Thanh Thủy
Đang còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng đã hé mở những thời cơ, lợi thế để đi lên. Cửa khẩu Thanh Thủy, nơi mở mang sự giao thương với Lào, Đông Bắc Thái Lan sẽ tạo ra sự đột phá cho phát triển của huyện; kết cấu hạ tầng được đầu tư đang phát huy tác dụng; nhiều sản phẩm từ nông, lâm nghiệp, làng nghề đem lại nguồn lợi đáng kể để người Dân thoát nghèo. Tư tưởng và nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân đã được nâng lên một bước đáng kể, tin tưởng vào công cuộc đổi mới của Đảng, từng bước thích ứng với sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường, hội nhập.
Những ngày này, Thanh Chương đang sống trong hào khí Xô viết. Kế thừa các thế hệ đi trước, kiên trì, bền chí, có phần lặng lẽ nhưng rất quyết tâm vẫn là nguồn lực nội sinh, căn bản, quyết định cho sự phát triển bền vững: Đó là tiềm lực con người!
All comments [ 0 ]
Your comments